THÊM SẮC MÀU CHO LÀNG BÁNH TRÁNG 300 NĂM

Rate this post

Ít ai biết rằng, tên gọi Phan Thiết được dùng ngày nay lại có nguồn gốc từ người Chămpa xưa với 2 phần không thể tách biệt “Hamu Lithit”. Khi chiết tự ra thì “hamu” có nghĩa là đồng ruộng, còn “lithit” là gần biển. Cái tên hàm ý rằng ruộng và biển là hai thành tố mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Vì lẽ đó, ngay cạnh làng chài Phan Thiết xưa tồn tại song song một làng nghề bánh tráng với đặc sản từ những đồng lúa và hạt gạo thơm ngon, đó là làng bánh tráng Phú Long.

Đến với Phú Long, bạn sẽ thấy ngút ngàn những vỉ bánh tráng xếp hàng trải dài từ sân vườn, đến các con đường trong xóm. Khi được trực tiếp sờ vào, sẽ cảm nhận được ngay độ mịn, tròn đều và mùi thơm nhẹ nhàng của bánh tráng. Điều tạo nên sự khác biệt của bánh tráng Phú Long so với bánh tráng các nơi khác là độ dẻo ngon, đảm bảo khi cuốn, bánh tráng không bị rách, giòn gãy hay gấp nếp, giữ cho nhân ở trong được cuốn chặt thành từng cuộn, vừa đẹp mắt, vừa ngon dai. Nhưng để bánh tráng đạt được độ tinh tế, khéo léo như vậy thì chỉ có những người thợ lành nghề và dày dạn kinh nghiệm mới có thể làm được.

Bánh tráng Phú Long được làm từ gạo tẻ xay thành bột mịn, lọc bỏ phần nước chua rồi pha với nước, nhưng phải canh cho nước thật vừa vặn, không loãng cũng không đặc quá. Đây cũng là công đoạn khó nhất, cũng chính là bí quyết tạo nên độ dẻo, dai đặc trưng cho bánh tráng Phú Long. Tiếp theo là tráng bánh, bột được đong bằng gáo dừa, múc đổ lên khung vải căng trên bếp lò nóng, rồi được cán thật đều tay, sao cho bột trải một lớp mỏng, mịn và đều. Người thợ phải thật nhanh tay, để chiếc bánh thành hình tròn trịa trước khi bị hơi nóng làm khô. Kế đến là đậy nắp lồng và đợi khoảng vài giây cho bánh chín, rồi dùng một chiếc đũa lớn gỡ bánh ra. Công đoạn này đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo, vì bánh lúc này vẫn còn mềm và dễ bị rách.

Sau đó, bánh sẽ được gác tạm lên một chiếc sàn úp ngược, rồi sắp lên vỉ đem phơi. Tuy nhiên, việc phơi bánh phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên thợ tráng bánh phải xem trời ngày mai nắng hay mưa để tráng bánh sớm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Cứ 5-6 chiếc bánh sẽ được phơi trên một chiếc vỉ tre, có lưới căng ở giữa và dài khoảng 2m. Dưới ánh nắng buổi sớm, những chiếc bánh dần khô lại, phảng phất mùi thơm nhẹ của gạo và lan tỏa trong trong không khí tạo nên một hương thơm đặc biệt nhưng rất đỗi mộc mạc của làng nghề Phú Long. Công đoạn gỡ bánh cũng đòi hỏi rất nhiều sự cẩn thận tỉ mỉ. Người phơi phải biết canh nắng để gỡ ra đúng lúc, giữ cho chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh, không gấp nếp. Bánh tráng khô được gỡ ra khỏi vỉ và xếp lại thành từng chồng bánh để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ khắp nước.

Chiếc bánh tráng gạo nguyên chất, dẻo thơm chính là bí quyết làm nên các món cuốn ngon đặc sắc ở Phan Thiết. Trong đó phải kể đến đặc sản bánh hỏi lòng heo Phú Long ngon nức tiếng:

“Ai đi Bình Thuận cho theo
Phú Long bánh hỏi lòng heo nhớ hoài….”

Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như: bánh hỏi, lòng heo, rau sống và nước mắm, nhưng với sự kì công và tỉ mỉ trong chế biến, món ăn trở nên vô cùng hấp dẫn, hợp vị với cả những người khó tính nhất. Nhưng muốn vị ngon được trọn vẹn, mang đúng phong vị xứ Phan thì bánh hỏi lòng heo phải được cuốn đúng với bánh tráng Phú Long. Vị ngọt của bột gạo, vị thơm của rau húng lủi, hòa với vị bùi bùi của gan heo, beo béo của lòng heo nóng hôi hổi, quyện với vị cay đậm đà của nước mắm vừa bắt từ bếp xuống, tất cả được gói gọn trong cuốn bánh tráng Phú Long dẻo dai, tạo nên hương vị cực ngon, ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Đặc biệt, nếu có dịp ghé đến làng bánh tráng Phú Long vào những ngày sắp Tết cuối tháng Chạp, bạn sẽ được lạc vào mê cung của vô số những vỉ bánh tráng. Đây chính là mùa cao điểm sản xuất bánh tráng của làng nghề Phú Long, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn bánh tráng cuốn thịt kho măng trong 3 ngày Tết của người dân Phan Thiết. Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu được trong mỗi gia đình ở nơi đây vào dịp Tết, khi mà người Phan Thiết quan niệm rằng món ăn này là món thay cơm vì những ngày Tết chợ búa và hàng quán đều đóng cửa. Qua bao nhiêu đời nay vẫn vậy, Tết đến thăm bất cứ gia đình địa phương nào vào đúng bữa ăn, bạn cũng sẽ được mời món thịt kho măng cuốn bánh tráng. Món ăn dân dã này là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị dai thơm của măng khô và vị béo, ngọt bùi của thịt được hầm kĩ. Cuốn với miếng bánh tráng mỏng dẻo Phú Long, thêm rau sống, củ kiệu, dưa món chấm với nước mắm rin nguyên chất thêm chút ớt xanh cay xè, hương vị đậm đà, ngon đến nao lòng.

Có thể thấy, ẩn sâu bên trong những chiếc bánh tráng truyền thống Phú Long là bao mồ hôi, tâm huyết và tình yêu nghề như một phần hơi thở của những người thợ nơi đây. Mỗi chiếc bánh tráng được ra lò chính là kết tinh những gì ngon nhất và chất lượng nhất của làng nghề truyền thống này.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tinh tế và đa dạng của khách hàng thì bánh tráng truyền thống xưa đã được thêm nhiều sắc màu thú vị lôi cuốn hơn. Vẫn được tráng theo công thức 300 năm của làng nghề Phú Long, bánh tráng Làng Chài Xưa với thành phần chính là gạo sạch, kết hợp với các nguyên liệu khác là củ dền tím, gạo lứt huyết rồng và củ nghệ, mang lại cho bánh tráng 4 màu tự nhiên là trắng, tím, nâu và vàng rất đẹp mắt. Do đó, dù sắc màu gì thì Làng Chài Xưa vẫn giữ được hương vị mộc mạc, dân dã của bánh tráng nơi đây.

Bánh tráng Làng Chài Xưa, thêm sắc màu cho bánh tráng truyền thống !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button